Làm cho được 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định phải làm cho bằng được 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp đang được triển khai giai đoạn đầu tại ĐBSCL.
Từ chỉ đạo của Thủ tướng, các địa phương trong vùng đang khẩn trương, quyết tâm thực hiện chương trình này.
Giảm chi phí sản xuất
Mới đây, TP Cần Thơ đã sơ kết mô hình thí điểm với kết quả bước đầu mang lại rất tốt. Ông Nguyễn Cao Khải – giám đốc Hợp tác xã Tiến Thuận – cho biết việc tham gia đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao mang nhiều lợi ích cho thành viên cũng như bà con nông dân. So với cách trồng lúa truyền thống giảm 20 – 30% lượng phân bón, 1ha giảm 10 – 15% chi phí vật tư đầu vào.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng – Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) – cho biết tham gia mô hình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL, chỉ tính riêng chi phí giống và phân bón đã giảm được 1,9 triệu đồng/ha so với cách trồng lúa hiện nay. Năng suất lúa vụ hè thu đạt 6,13 – 6,51 tấn/ha, cao hơn 7% so với lúa đối chứng (năng suất 5,9 tấn/ha).
Chi phí đầu vào thấp hơn nên nông dân tăng lợi nhuận từ 1,3 – 6,2 triệu đồng/ha, tương đương khoảng 50 – 280 USD/ha. Ngoài ra sản xuất theo quy trình có thể giảm phát thải khí nhà kính từ 2 – 6 tấn CO2/ha, nhờ quản lý nước và rơm rạ.
Trong khi đó, ông Trần Thái Nghiêm – phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cần Thơ – cho biết đang tổng kết mô hình để triển khai vào vụ đông xuân 2024 – 2025. TP đăng ký năm 2025 có 35.000ha và đến năm 2030 là 48.000ha tham gia đề án. Ở mỗi địa phương được triển khai, TP đều có làm mô hình để nông dân tận mắt thấy được lợi ích về kinh tế, môi trường, sức khỏe mà tham gia đề án.
Ông Nguyễn Ngọc Hè – phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ – cho rằng kết quả của mô hình này là nền tảng, là cơ sở để ngành nông nghiệp TP nhân rộng trên toàn bộ diện tích tham gia đề án như đã cam kết với Bộ NN&PTNT.
Đồng loạt triển khai
Tại Sóc Trăng, ông Trần Tấn Phương – phó giám đốc Sở NN&PTNT – cho biết tỉnh đăng ký thực hiện 72.000ha trong chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, triển khai từ năm 2024 – 2030. Năm đầu tiên 2024, Sóc Trăng thí điểm 50ha tại Hợp tác xã nông nghiệp Hưng Lợi (xã Long Đức, huyện Long Phú).
Nhiều năm gắn bó với cây lúa, ông Phương cho biết việc triển khai chương trình tại Sóc Trăng khá thuận lợi. Trong hơn bảy năm qua, Sóc Trăng thực hiện dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (dự án VnSAT), đã tác động tích cực đến quá trình canh tác lúa của nông dân. Có được cái nền này khi chuyển sang hình thức canh tác mới, nông dân cũng không còn ngỡ ngàng.
Ngoài ra theo ông Phương, Sóc Trăng còn là cái nôi sản xuất lúa thơm đặc sản chất lượng cao, nhất là nhóm giống ST từng đoạt “ngôi vương” tại hội thi gạo ngon nhất thế giới, nên tay nghề trồng lúa của nông dân Sóc Trăng đã được nâng tầm đáng kể.
Tại Đồng Tháp, ông Nguyễn Văn Vũ Minh – giám đốc Sở NN&PTNT – cho biết vụ thu đông 2024, tỉnh đã triển khai thí điểm đề án với diện tích 50ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải trồng tại Hợp tác xã Thắng Lợi (huyện Tháp Mười), đến nay đã được 28 ngày tuổi.
Theo ông Minh, đến năm 2025 tỉnh Đồng Tháp sẽ triển khai đề án tại bảy huyện, TP trồng lúa của tỉnh gồm: Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình, Cao Lãnh, Tháp Mười và TP Hồng Ngự, tổng diện tích gần 70.000ha. Năm 2030 sẽ triển khai thêm tại huyện Lấp Vò, phấn đấu tổng diện tích đạt 161.000ha.
Còn tại Kiên Giang, theo ông Lê Hữu Toàn – giám đốc Sở NN&PTNT – tỉnh tham gia chương trình lúa chất lượng cao phát thải thấp với diện tích khoảng 200.000ha. Địa phương thực hiện hai giai đoạn, gồm: giai đoạn 1 (năm 2024 – 2025), tập trung củng cố các diện tích đã có của dự án VnSAT là 24.738ha và mở rộng diện tích ngoài vùng dự án VnSAT hướng đến năm 2025 mục tiêu đạt 100.000ha (năm 2024 là 60.000ha).
Giai đoạn 2 (năm 2026 – 2030), địa phương xác định khu vực trọng tâm lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao giảm phát thải mới thêm 100.000ha, hướng tới mục tiêu 200.000ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở huyện Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất, Tân Hiệp, Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận và TP Rạch Giá.
Những đề xuất, kiến nghị
Theo ông Trần Tấn Phương, việc triển khai chương trình làm thay đổi cả một phương thức sản xuất, cho nên đòi hỏi cần kiên trì tuyên truyền cho bà con hiểu mục đích, yêu cầu của đề án, từ đó bà con mới thay đổi nhận thức và ủng hộ.
Cũng theo ông Phương, cơ sở hạ tầng hiện còn nhiều hạn chế, cần được quan tâm nhiều hơn. Tương tự, ông Nguyễn Văn Vũ Minh cho biết địa phương cần nguồn lực để hoàn thiện về hạ tầng kỹ thuật trồng lúa, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đảm bảo kiểm soát nước trên cánh đồng.
Yêu cầu đến năm 2025 thực hiện thu gom rơm ra khỏi đồng ruộng đạt 70%, hướng tới 100% năm 2030. Trong trường hợp bất khả kháng có thể thực hiện băm nhỏ rơm cung cấp lại cho đồng ruộng, cần triển khai kỹ, hết sức cụ thể mới có thể đạt tỉ lệ thu gom rơm này.
Ngoài ra, ông Minh cho rằng cần có cơ chế đặc thù mới làm được hiệu quả chương trình này. “Hiện nay, số lượng lớn doanh nghiệp khá hào hứng. Tuy nhiên để độ liên kết bền vững cần có sự tập trung nhiều hơn trong công tác đàm phán các bên tham gia ở những mô hình nhân rộng tiếp theo.
Ngành nông nghiệp sẽ dự báo câu chuyện liên kết này để sắp tới kiến nghị Chính phủ có những cơ chế đặc thù cho chương trình. Do chương trình chỉ gói gọn khoảng 6 – 7 năm, cần cơ chế mang tính đặc thù để triển khai cho các mô hình”, ông Minh nói.
Trong khi đó, ông Lê Hữu Toàn cho rằng cái khó là hiện nay chưa có công cụ, khung hệ thống đo đạc MRV (kiểm soát phát thải khí nhà kính) để phục vụ hoạt động giám sát, xây dựng kế hoạch hỗ trợ kỹ thuật… Việc yêu cầu của chương trình là tỉ lệ thu gom rơm rạ trên 70% giai đoạn 1 và 100% giai đoạn 2, địa phương xét thấy sẽ gặp khó khăn do phụ thuộc thời tiết, mùa vụ, khả năng tận dụng rơm rạ với số lượng lớn; chưa có hướng dẫn tài chính bán tín chỉ carbon (CO2).
Vì vậy ông Toàn đề xuất các cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT sớm triển khai các lớp tập huấn, hướng dẫn khung hệ thống đo đạc MRV và có hướng dẫn tài chính bán tín chỉ carbon.
Ông Cao Đức Phát (nguyên bộ trưởng Bộ NN&PTNT, chủ tịch hội đồng quản trị IRRI tại Việt Nam):
Thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng quốc tế
Mục tiêu của chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp là tăng thu nhập cho nông dân và thông qua việc giảm thuốc trừ sâu, giảm nước, giảm thuốc bảo vệ thực vật, sẽ giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính để thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Qua báo cáo của TP Cần Thơ, chúng ta đang trên con đường thực hiện hai mục tiêu đó.
Tôi mong rằng lan tỏa mô hình này khắp ĐBSCL và cả nước để thực hiện được mong đợi của bà con nông dân. Trước hết là người trồng lúa có cuộc sống tốt đẹp hơn, với thu nhập cao hơn, môi trường trong sạch hơn, đóng góp vào nỗ lực chung của toàn thế giới chống biến đổi khí hậu.
Đây là một trong những mô hình tương đối hoàn thiện. Chúng tôi thực hiện trên cơ sở bảy năm về trước với sự giúp đỡ của Ngân hàng Thế giới thực hiện dự án VnSAT hoàn thiện một bước cơ sở hạ tầng, đặc biệt là dự án thủy lợi và đã áp dụng được các gói kỹ thuật, với mô hình thí điểm này chúng tôi hoàn thiện thêm một bước nữa để hoàn thiện. Nếu bà con nông dân thấy khá rồi thì cùng nhau nhân rộng, trước mắt tới năm 2030 đạt mục tiêu 1 triệu ha.
Thực hiện tại 12 tỉnh thành
Chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 được thực hiện tại 12 tỉnh thành vùng ĐBSCL (trừ tỉnh Bến Tre).
Trước khi thực hiện trên diện rộng, Bộ NN&PTNT thực hiện cánh đồng thí điểm ở năm địa phương, gồm: TP Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang và Đồng Tháp. Trong đó, Cần Thơ là địa phương thực hiện đầu tiên trong vụ hè thu với diện tích 50ha tại Hợp tác xã Tiến Thuận (xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh).
Ông Lê Thanh Tùng (phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT):
Hiệu quả bước đầu rất phấn khởi
Việc triển khai đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp đang được Bộ NN&PTNT và các tỉnh ĐBSCL ráo riết triển khai và mang lại hiệu quả bước đầu rất phấn khởi.
Hiện nay Bộ NN&PTNT vẫn tiếp tục chỉ đạo thực hiện bảy mô hình tại năm tỉnh thành gồm: Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp và Trà Vinh. Trong đó Trà Vinh và Kiên Giang mỗi tỉnh có hai mô hình. Hiện mô hình thứ nhất tại Cần Thơ đã thu hoạch với chi phí giảm từ 1 – 6 triệu đồng/ha, năng suất tăng từ 200 – 500kg/ha, giảm phát thải từ 2 – 6 tấn carbon/ha.
Chỉ đạo của Bộ NN&PTNT đối với bảy mô hình này là phải làm ba vụ liên tục, sau đó tổng kết các mô hình, rút ra những thuận lợi, khó khăn, những điều đạt được, chưa đạt được để tiếp tục thực hiện.
Cụ thể đối với năm tỉnh thành này và bảy tỉnh còn lại đều đã xây dựng kế hoạch mở rộng mô hình trong địa bàn tỉnh mình. Song song với mô hình của bộ, ở mỗi huyện của các tỉnh cũng xây dựng mô hình quy mô từ 30 – 50ha hoặc nhiều hơn tùy theo năng lực của tỉnh. Đây là những mô hình thực hiện toàn bộ các tiêu chí của chương trình như củng cố hợp tác xã, tổ chức liên kết, thực hiện các quy trình canh tác, hoàn chỉnh hệ thống nội đồng…
Đồng thời, các tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai chương trình đến năm 2025, đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2025 sẽ đạt 180.000 – 200.000ha, hiện nay các tỉnh đã đăng ký đầy đủ, định vị đầy đủ trên bản đồ, đồng thời cũng đánh giá được hệ thống hạ tầng (thủy lợi nội đồng, giao thông) để phục vụ sản xuất lúa đáp ứng yêu cầu của chương trình trong thời gian tới.
* Thưa ông, trên thực tế thực hiện chương trình đã có những khó khăn, vướng mắc gì cần tháo gỡ?
– Doanh nghiệp đầu vào thực hiện theo quy trình của Cục Trồng trọt về mặt kỹ thuật canh tác hoàn toàn làm được. Ngay cả việc đo đạc, tính toán giảm phát thải khí nhà kính cũng có nhiều doanh nghiệp, IRRI cũng tham gia hỗ trợ. Tuy nhiên, việc liên kết tiêu thụ nông sản đầu ra theo tiêu chí của chương trình thì vẫn còn ít doanh nghiệp tham gia.
Thứ hai là công tác vận động, tuyên truyền đối với nông dân về chương trình còn chậm. Mình chỉ đi phổ biến kỹ thuật, về giảm phát thải, giảm chi phí thôi, còn những lợi ích cụ thể hơn cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân thì vẫn chưa có chương trình cụ thể. Cái này không chỉ là công việc của Bộ NN&PTNT mà còn của cả hệ thống chính trị, của các cơ quan truyền thông.
Khó khăn thứ ba là nền tảng của các liên kết. Nông dân tham gia dự án chạy theo tốc độ tăng trưởng của diện tích thì họ chưa theo kịp. Diện tích thì có thể tăng rất nhanh, nhưng hợp tác xã để phát triển theo diện tích này thì lại chậm vì còn liên quan tới luật pháp, tập hợp nông dân…
* Đã có doanh nghiệp kêu gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn thực hiện chương trình, việc này sẽ được tháo gỡ như thế nào, thưa ông?
– Trong buổi tiếp xúc cử tri tại TP Cần Thơ hôm 14-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tháo gỡ vấn đề này. Tôi tin rằng vướng mắc này sẽ sớm được giải quyết.
Bộ NN&PTNT cũng đã hình thành hầu hết các văn bản pháp luật để phục vụ chương trình như lập các ban chỉ đạo, ban hành các tiêu chí tham gia, các quy trình kỹ thuật, tập huấn khuyến nông, trong đó có cả vấn đề kêu gọi cấp vốn, ban quản lý xây dựng các chương trình, dự án để tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ, gặp gỡ hợp tác các tổ chức quốc tế…
Vấn đề còn lại là làm sao triển khai đồng bộ trong từng địa phương. Thời gian qua có một số địa phương triển khai rất quyết liệt mang lại hiệu quả, nhưng cũng còn nhiều tỉnh chưa thật sự vào cuộc. Địa phương phải có những đầu mối, có sự chỉ đạo, quyết liệt hơn nữa. Cần có lãnh đạo tỉnh tham gia chỉ đạo mới được, còn nếu chỉ dừng lại giao phó cho cấp sở thì rất khó.
Theo Tuoitre.vn